Hiệu ứng dunning – kruger – bạn không thông minh như bạn nghĩ đâu!

29/07/2021

Hiệu ứng Dunning – Kruger là gì?

Hiệu ứng Dunning – Kruger, một dạng sai lệch về nhận thức mà người mắc phải bị bất lực trong khả năng nhận ra sự bất tài, thiếu năng lực của chính mình. Họ hành động dựa trên những suy nghĩ đánh giá quá cao về bản thân.

Hai nhà nghiên cứu đã tiến hành trên một nhóm các sinh viên về khả năng ngữ pháp, tư duy hay khiếu hài hước và cho các sinh viên tự đánh giá chính khả năng của họ.

Kết quả là những sinh viên có năng lực kém hơn lại có xu hướng tự đánh giá quá cao thực lực, trong khi điểm số của họ lại nằm trong nhóm thấp nhất. Dunning và Kruger cho rằng hiện tượng này xuất phát từ “gánh nặng kép.” Người ta không chỉ yếu kém năng lực mà chính bản thân sự yếu kém năng lực này cũng cướp đi mất khả năng trí tuệ cần thiết để nhận ra cái mình đang thiếu.

Thiếu kiến thức đã là điều tồi tệ, nhưng thiếu khả năng nhận biết điều đó thì thật sự trở thành điều nguy hiểm. Nó ảnh hưởng đến những suy nghĩ, lời nói, hành động hằng ngày của chúng ta, đến những quyết định từ nhỏ nhặt hằng ngày đến cả cuộc đời. Và ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning – Kruger chưa hề có giới hạn lên riêng một ai. Hãy tưởng tượng nó len lỏi trong đầu óc của một nhà chính trị, một bác sĩ hay chính là người sếp của bạn?

Biểu hiện của hiệu ứng Dunning – Kruger trong thực tế

Luôn nghĩ rằng không phải mình không làm được, chỉ là mình không làm

“Khi còn nhỏ tôi thử dùng các app chơi đàn piano đơn giản và thấy mình tập rất nhanh để có thể bắt chước được vài đoạn trong bài sonate nào đó, ôi nghe có vẻ là có năng khiếu ấy nhỉ! Lên youtube thưởng thức những nghệ sĩ lướt tay điệu nghệ trên phím đàn piano và tin rằng khi đi học rồi mình cũng sẽ trở thành được vậy. Đến bây giờ vẫn chưa đánh xong bản nhạc Fur Elise.”

“Tôi từng nghĩ nếu học để biết về photoshop là có thể chỉnh sửa hình ảnh như các trang bìa tạp chí vì nhìn thấy nó chẳng phức tạp gì mấy… bạn yên tâm vì sẽ không có một tờ báo nào ngớ ngẩn mời tôi rồi, và tôi cũng đang dần nhận thức được mình thật sự không mấy năng khiếu về nghệ thuật.”

Nếu bạn là những con nghiện các chương trình truyền hình thực tế như Vietnam Idol, Got Talent, The Voice, Next Top Model, Shark Tank… sẽ dễ dàng chứng kiến một số trường hợp ở vòng loại tự tin thoái quá về khả năng của mình như giọng hát, khả năng diễn xuất, catwalk, một dự án khởi nghiệp vĩ đại muốn vươn ra thế giới… để mang chúng đi thi những cuộc thi lớn như vậy.

Nghịch lý của kẻ bất tài

Trong khi tất cả mọi người xung quanh đều nhận thấy họ không hề có tài năng gì đặc biệt nếu chưa kể đến một số trường hợp phải dùng đến từ là thảm họa. Họ gắt gỏng trong việc phản đối ý kiến, góp ý của ban giám khảo khi không chọn mình. Tôi không biết họ có tiềm năng nào khác không nhưng một tài năng chắc chắn có là trở thành trò câu view cho các kênh youtube, facebook vì sự ngớ ngẩn này.

Trái lại, thực tế lại có rất nhiều người tài giỏi thật sự lại không tự tin với khả năng để bước lên sân khấu. Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói của Charles Darwin rằng “Ngu dốt thường sinh ra sự tự tin hơn là kiến thức”. Nghịch nằm ở chỗ, những người tài giỏi lại khá khiêm tốn và luôn hoài nghi về khả năng của mình, cho rằng mình còn nhiều khuyết điểm và cần cố gắng, trong khi những người không có khả năng lại chắc chắn rằng mình là những người nghiệp dư.

Những biểu hiện của hội chứng Dunning Kruger luôn len lỏi trong cuộc sống của chúng ta, có thể là một điều buồn cười mà chả ai nghĩ  là có thật của người khác hoặc cũng có thể là chính bản thân bạn đã có rất nhiều suy nghĩ, hành động tương tự mà vẫn chưa nhận ra. Thật không may là tất cả chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân của hiệu ứng này. Chúng ta không thể tự vẽ cho chính mình một hệ quy chiếu chuẩn xác mang đầy tính chủ quan và tầm nhìn hạn hẹp được. Hãy nhận ra sớm trước khi bất kì ai trong số chúng ta biến thành những “cỗ máy xây dựng từ niềm tin sai lệch“.

Đừng để bản thân trở thành nạn nhân của hiệu ứng Dunning Kruger

1. Suy xét về những đánh giá và hoài nghi về năng lực của bản thân

Vấn đề trọng tâm khi nghiên cứu về hội chúng Dunning- Kruger không phải là ở sự kém cỏi, thiếu hiểu biết của người mắc phải mà là do chính sự kém năng lực đó dẫn đến sự mù lòa trong khả năng đánh giá chính mình. Mỗi người khi còn ở vạch xuất phát chỉ có một bàn tay trắng hay một chút ít kiến thức cơ bản là hoàn toàn bình thường. Cái sai chỉ là bạn tưởng vạch trắng phía dưới chân là vạch đích mà thôi. Vì vậy, với tôi bước đầu tiên để không bị “chính mình lừa mình” thì phải hiểu được năng lực thật sự của bản thân.

Những cách nào có thể giúp bạn đánh giá đúng bản thân?

  • Bảng điểm? Giấy chứng nhận? Bằng cấp? Có thể nhiều bạn cảm thấy không đúng hoàn toàn, nhưng chí ít một kết quả tồi tệ, một con điểm thấp dưới mức mong đợi cũng giúp bạn tỉnh ra phần nào và vực lại ý chí chiến đấu, nỗ lực nhiều hơn cho tương lai đúng không nào?
  • Kiểm tra đánh giá năng lực: Nếu bạn đang mơ hồ không biết trình độ tiếng Anh của mình thì không thiếu các bài test hay cuộc thi chất lượng để đánh giá. Kiểm tra IQ thì có bài đánh giá IQ. Các bài test dựa trên tính cách, khả năng của bạn hợp với ngành nghề nào để gợi ý cho ta quyết định sáng suốt hơn.
  • Thành tựu, kết quả: Nếu Edison không chế ra được bóng đèn thì liệu có ai quan tâm đến việc ông đã hơn 10.000 lần thất bại cho ước mơ mang ánh sáng đến cho nhân loại không. Bạn muốn để lại thành tích, đóng góp cho xã hội hay chỉ là những lời hứa viễn vông?
  • Qua sự đánh giá của mọi người xung quanh: Hãy xem khả năng trò chuyện với một người nước ngoài như thế nào để đánh giá khả năng tiếng anh giao tiếp của mình. Đừng tự ăn đồ ăn do mình nấu rồi đánh giá khả năng nấu ăn. Thử giọng hát thì hãy hát cho một người có chuyên môn nghe để nhận xét,…

Có bao giờ bạn ngồi lại và tự đặt những câu hỏi cho chính mình: Bản thân mạnh ở điểm nào? Kém nhất ở lĩnh vực nào? Mẹ bạn có thích những món ăn bạn tập nấu không? Người bạn mới quen có thật sự muốn nghe những câu chuyện bạn kể không? Hãy suy xét một cách khách quan ở nhiều góc độ về năng lực thực sự của bản thân, bạn nhé!

2. Hãy chơi với những người thông minh và tài giỏi hơn mình!

“Nếu bạn chơi với năm người thông minh, bạn sẽ là người thứ sáu.”

Không còn lạ gì với những điều tốt đẹp mà bạn sẽ nhận được khi kết giao với những người tài giỏi. Là kiến thức, kĩ năng, thái độ lạc quan hay tạo dựng các mối quan hệ… Tuy nhiên tại sao nó lại giúp cho chúng ta đánh giá tốt được bản thân? Để bạn biết rằng trước giờ mình chỉ là con ếch ngồi đáy giếng mà thôi, phải thay đổi! Để bạn biết mình còn thiếu sót rất nhiều, bạn đang đứng đâu khi luôn phải ngoái nhìn ngưỡng mộ người khác. Bạn nghe được những kiến thức mới lạ để biết rằng đầu mình trống rỗng về nó. Bạn biết được bạn đang tụt lại với văn minh nhân loại rất xa.

Để từ đó mà biết mua thêm nhiều sách mà đọc, cày sâu thật nhiều về kiến thức chuyên môn, xem nhiều kênh tin tức để biết thế giới chuyển động ra sao. Khi biết mình còn nhiều thiếu sót thì mới là lúc bạn biết mình cần làm gì để chinh phục nó. Hãy kết giao với những người tài giỏi ở các lĩnh vực khác nhau. Khi còn có người dạy cho bạn điều gì đó ở bất kì lĩnh vực gì tức là kiến thức của bạn vẫn đang có lỗ hổng.

Hãy nhớ rằng: Bạn là trung bình của năm người bạn thường xuyên tiếp xúc nhất – đó là con số đẹp nhất dành cho bạn!

3. Luôn luôn nỗ lực cải thiện kỹ năng bản thân

Đây là kết luận cuối cùng trong bài nghiên cứu của Dunning và Kruger đã được nhắc đến ở trên. Không ngừng học hỏi sẽ giúp những người còn kém cỏi biết cách đánh giá bản thân tốt hơn. Người có năng lực sẽ nhận thức được kiến thức trong lĩnh vực đó bao la rộng lớn như thế nào nên mới có xu hướng đánh giá thấp năng lực mình trong các lĩnh vực nhất định.

Kẻ không làm mới không có khuyết điểm. Kẻ không biết sự vô hạn của kiến thức mới nghĩ mình to lớn. Thật may mắn khi bạn còn nhận ra những thất bại của bản thân để cố gắng cải thiện mình và không có gì phải buồn cả. Khi đã chấp nhận được những thiếu sót của mình, hãy cố gắng đi lên với tư tưởng sẵn sàng đón nhận những kiến thức mới.

Đừng chọn làm một kẻ say mụ mị

hiệu ứng dunning - kruger

Người say thì không nói mình đang say mà kẻ điên thì không biết mình đang điên. Nhưng không ai muốn những nhà chính trị bất tài lại đưa ra chính sách vì mục tiêu tiến bộ xã hội. Không ai muốn cầm đơn thuốc của một bác sĩ chỉ khám bệnh qua loa đã tự tin chuẩn đoán. Không ai rủ lòng thương tiếc cho một tên học lỏm được vài điều đã tự tin mang hết tài sản đi đầu tư chứng khoán.

Dunning và Kruger đã cho thấy bộ não chúng ta quá phức tạp: “Kẻ ngu dốt nghĩ mình thông thái, nhưng người thông thái biết mình ngu dốt”. Nghịch lý trên chỉ những người không ngừng tìm tòi học hỏi, nâng cao hiểu biết mới được trải qua.

Và những người trẻ ơi! Có lẽ chúng ta còn quá non nớt so với tuổi đời của mặt đất mà ta đang đứng, mặt trời mà ta mải ngắm nhìn. Nhìn xung quanh xem, bao nhiêu tiện nghi của trí tuệ nhân loại đã tạo ra qua hàng thế kỉ từ máy tính, ô tô, điện thoại thông minh, internet, con chim sắt biết bay trên bầu trời… thế mà giờ đây chúng ta vẫn còn quên chìa khóa, quên đổ xăng để xe chết máy giữa đường, hằng ngày cho phép bao nhiêu thực phẩm độc hại vào trong cơ thể để rút ngắn tuổi thọ,… chẳng phải còn quá đổi khờ dại sao?

Giáo dục là con đường lãnh hội kiến thức nhân loại, đồng thời con đường ấy đi đến khám phá không ngừng về sự ngu dốt vô hạn của chúng ta. Càng học nhiều điều gì chúng ta lại càng biết ít hơn về nó. Nếu thời khắc này, bạn đang tự bắt bẻ hay hoài nghi về kiến thức của mình thì: Xin chúc mừng, bạn đã thông minh hơn rồi đó!

Nguồn: Tác Giả: Nguyễn Hà Phương Thảo, Sinh viên @ Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG HN

Được đăng tải trên kênh ybox.vn

Xem thêm: Hiệu ứng Akrasia và chiến lược để đánh bại sự trì hoãn

Điểm: 4.6 (18 bình chọn)

Tác giả: Phi Anh

Phi Anh hiện đang là Biên tập viên tại Cổng Thông tin Hướng nghiệp - Tư vấn Tuyển sinh. Phi Anh sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về các hoạt động hướng nghiệp - tuyển sinh và các kỹ năng, xu hướng nghề nghiệp cho giới trẻ.

Ý kiến của bạn

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ

Scroll to top