Nhóm tính cách 3: Hòa đồng

06/11/2020

Nhóm tính cách thứ ba: Hòa đồng (Agreeableness)

1. Nét tính cách nổi bật:

Thân thiện/có lòng trắc ẩn với tách biệt/cứng nhắc

2. Khái niệm:

Hòa đồng đề cập đến cách một người đối xử thế nào trong những mối quan hệ với người khác. Một số người thường đánh đồng hòa đồng với hướng ngoại thế nhưng hòa đồng chỉ tập trung vào sự tương tác và định hướng con người mà thôi.

3. Đặc điểm nổi bật:

– Những người hòa đồng sẽ nhạy cảm với nhu cầu của người khác và có thiện chí hợp tác. Họ luôn cảm thông, vị tha và đáng tin cậy, thường được lòng nhiều người nhờ sự dễ gần của mình. Tốt bụng, ấm áp, biết quan tâm, giúp đỡ là những tính từ mô tả cho nét tính cách này. Họ thường có xu hướng tin rằng đa phần mọi người rất trung thực, tốt bụng và đáng tin cậy. Họ có lòng vị tha và hay giúp đỡ người khác. Những thực nghiệm cho thấy đa số người ta giúp đỡ những người nào giống mình, hoặc chỉ giúp đỡ khi thấy thấu cảm cho người khác. Tuy nhiên việc giúp đỡ không đúng lúc, đúng cách, đúng tình huống sẽ mang lại những rắc rối cho mình và người khác. Không những vậy, đôi khi họ suy nghĩ quá ngây thơ và dễ bảo sẽ khiến họ chịu thiệt thòi nhiều trong cuộc sống

– Những người có mức hòa đồng thấp thường bị coi là đáng ngờ, thích thao túng và không hợp tác. Họ thường thể hiện sự đối lập khi tương tác với người khác, khiến họ ít được yêu mến và tin tưởng hơn. Không những vậy việc thờ ơ người khác khiến họ trở thành người ích kỷ, dễ gây tổn thương cho mọi người.

4. Áp dụng kết quả

Liên hệ cuộc sống:

– Có thể nói hòa đồng có nhiều ưu điểm hơn khuyết điểm. Hòa đồng thường đi kèm với một tính cách tốt cùng với việc nhận được sự yêu mến từ mọi người. Tuy nhiên hãy tỉnh táo, hãy suy nghĩ kỹ trước khi làm cũng như trong mọi tình huống trong cuộc sống để tránh bị lừa, bị lợi dụng. Không những vậy bạn cũng cần học cách từ chối để tránh những rắc rối không đáng có cho bản thân mình.
– Nếu điểm hòa đồng của bạn thấp, hãy xem lại và cải thiện nó. Việc thiếu hòa đồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ xung quanh bạn, khiến bạn gặp khó khăn trong những công việc cần đến sự hợp tác từ nhiều người. Không những vậy rất nhiều rắc rối hay vấn đề lớn sẽ xảy ra nếu bạn ích kỷ, làm tổn thương người khác bởi sự thờ ơ, lạnh lùng của mình.

Gợi ý lựa chọn nghề nghiệp

– Hòa đồng là một nét tính cách cần thiết trong cuộc sống. Bởi vì không có việc gì bạn làm mà không liên quan đến với người khác cả. Nhưng trường hợp bạn vẫn đang phải học cách để hòa đồng hơn, cũng đừng lo lắng quá, hãy tập từng bước một nhé. Bạn có thể khởi đầu với những công việc mang tính chất cá nhân hơn như: viết lách, thiết kế,… đây là những công việc giúp bạn sáng tạo hơn, mở rộng tinh thần và đầu óc. Thêm nữa công việc phụ thuộc chủ yếu vào cá nhân bởi vậy sẽ tạo điều kiện cho bạn làm quen dần với cách làm việc với người khác.

– Tuy nhiên trong lúc làm việc hãy luôn cẩn thận lời nói và hành vi của mình. Khi bạn làm người khác tổn thương hoặc khó chịu, bạn rất dễ sẽ mất đi công việc của mình đấy

Gợi ý cải thiện/phát triển nét tính cách

– Cởi mở hơn: khi bạn thân thiện hơn với mọi người, họ cũng sẽ mở lòng hơn đối với bạn. Còn khi bạn luôn giữ thái độ lạnh lùng hay quá khép kín, bạn sẽ rất dễ bị hiểu nhầm và mọi người cũng sẽ khép kín với bạn đấy

– Tôn trọng người khác: Người thiếu hòa đông thường gây cho người khác tổn thương bởi thái độ và lời nói của mình. Bởi vậy để cải thiện điều này hãy biết tôn trọng người khác, đặt mình vào vị trí của họ để tránh gây tổn thương không đáng có.

– Nói xin lỗi và cảm ơn khi cần thiết: Nếu công việc xảy ra vấn đề gì mà nguyên nhân đến từ bản thân bạn, vậy đừng đổ lỗi cho người khác. Thay vào đó hãy học cách nói lời xin lỗi. Tương tự như vậy, khi nhận được sự giúp đỡ, đừng bao giờ tiếc một lời cảm ơn nhé. Như vậy bạn đã tiến thêm một bước dài để hòa đồng hơn rồi đó.

Hòa đồng là một năng lực cần có của bất kỳ ai. Có thể vì chưa biết cách nên bạn hơi kém hòa đồng, nhưng tuyệt đối đừng bỏ mặc tình trạng này của bản thân. Nỗ lực hơn mỗi ngày, mọi người sẽ rất nhanh đón chào bạn.

Nguồn tham khảo:
Website: Tâm lý học hành vi
“The Development of Markers for the Big-Five Factor Structure,” của Goldberg
Website: Bigfive.vn

Điểm: 4.56 (14 bình chọn)

Tác giả: Phi Anh

Phi Anh hiện đang là Biên tập viên tại Cổng Thông tin Hướng nghiệp - Tư vấn Tuyển sinh. Phi Anh sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về các hoạt động hướng nghiệp - tuyển sinh và các kỹ năng, xu hướng nghề nghiệp cho giới trẻ.

Ý kiến của bạn

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ

Scroll to top