Nhóm tính cách 2: Hướng ngoại

06/11/2020

1.Nét tính cách nổi bật:

Hòa đồng/thoải mái với đơn độc/kín đáo

2.Khái niệm:

Hướng ngoại phản ánh xu hướng và cường độ tìm kiếm sự tương tác với xã hội của một người. Yếu tố này còn phản ánh loại môi trường giúp cá nhân lấy lại năng lượng.

3. Đặc điểm nổi bật:

Đặc điểm cả người hướng ngoại có thể thấy thông qua bề rộng của các hoạt động và mối quan hệ của họ trong xã hội. Người hướng ngoại luôn có hứng thú với những nơi đông người, những buổi tiệc tùng hay họp mặt. Họ cảm thấy đây là nơi sẽ đem lại cho họ năng lượng, do vậy họ thích tìm kiếm và cần những nguồn kích thích từ bên ngoài. Người hướng ngoại thường hăng hái, nhiệt tình, theo trường phái hành động, làm trước nghĩ sau, thích nói chuyện và khẳng định mình, mong muốn thay đổi cả thế giới hơn là hiểu về nó. Những người này thường hoạt bát, dễ hiểu, dễ tiếp cận, luôn xuất hiện với sự thoải mái và tự tin nhất. Tràn trề sức sống chính là những gì ta có thể cảm nhận được từ một người hướng ngoại.

Đối lập với hướng ngoại là người hướng nội. Đây là những người không thích những nơi đông người, sẽ cảm thấy kiệt sức khi phải giao tiếp quá nhiều, họ gặp khó khăn khi bắt đầu cuộc hội thoại và thường suy nghĩ cẩn thận mọi thứ trước khi nói chuyện. Nếu người hướng ngoại tìm thấy nguồn năng lượng trong những buổi tiệc tùng, những nơi đông người thì ở một mình chính là cách mà người hướng nội nạp năng lượng. Một số từ thường gắn với người hướng nội là lạnh lùng, trầm uất, cô độc. Tuy nhiên họ hướng nội không đồng nghĩa với việc họ không thân thiện hay phản xã hội mà họ cẩn thận hơn, kín đáo hơn và suy nghĩ nhiều hơn trong các tình huống cũng như mối quan hệ trong xã hội. Dè dặt, trầm tư, thích suy nghĩ và đào sâu về nó cũng như thích lắng nghe hơn so với việc thể hiện bằng lời nói.

4. Áp dụng kết quả

Liên hệ cuộc sống

– Hướng ngoại là những người tràn đầy năng lượng, bởi vậy nó thường đi kèm với những tính từ tích cực như thoải mái, tự tin, năng động, nhiệt huyết,… Tuy nhiên hãy biết hướng ngoại có điểm dừng. Ví dụ như việc mở rộng các mối quan hệ sẽ giúp bạn rất nhiều trong công việc, tuy vậy đừng quên việc đào sâu, chăm chút cho một vài mối quan hệ thân thiết. Họ sẽ là người bên cạnh bạn những lúc khó khăn nhất đấy. Bên cạnh đó hãy nghĩ kỹ trước khi nói cũng đừng để sự “thân thiện quá mức” của mình gây ra những rắc rối cho bản thân và người khác.

– Nếu mức điểm của bạn trong mục này nói lên bạn là người hướng nội, hãy xem xét lại điểm của bạn đang ở mức độ nào nhé. Không nhất thiết bạn phải thay đổi con người mình để làm một người hướng ngoại, nhưng nếu điểm số quá thấp thì bạn sẽ gặp phải nhiều rắc rối đấy. Việc quá hướng nội khiến bạn tách ra khỏi đám đông. Trong công việc bạn cần phải tiếp xúc với nhiều người, có nhiều mối quan hệ cũng như liên tục làm việc nhóm. Việc quá khép kín sẽ khiến việc kết nối giữa bạn và phần còn lại trở nên khó khăn hơn. Không phải ai cũng có thể hiểu tính cách của bạn, nhưng đừng để bản thân mình cô lập, bạn sẽ gặp rắc rối từ việc bị hiểu sai, bị xa lánh hay tiến chậm hơn trong sự nghiệp. Điểm cộng cho người hướng nội là việc bạn rất sâu sắc, suy nghĩ nhiều cũng như tỉ mỉ, cẩn thận. Tận dụng tốt những đặc điểm này là lúc bạn có cho mình kết quả công việc tốt cùng những mối quan hệ vững bền.
– Hãy biết hướng nội và hướng ngoại hợp lý. Bạn không cần thay đổi bản thân mình thành một người hướng nội hay hướng ngoại, nhưng hãy học cách cải thiện những yếu điểm của mỗi nét tính cách để dễ dàng hơn trong cuộc sống.

Gợi ý lựa chọn nghề nghiệp

– Người hướng ngoại với sự nhiệt tình, nhanh nhẹn và khả năng giao tiếp cho phép họ lựa chọn rất nhiều ngành nghề khác nhau. Như tài ăn nói hay việc yêu thích mở rộng mối quan hệ sẽ là điểm cộng rất lớn khi bạn tham gia sale, tiếp thị hay quan hệ quần chúng. Ngoài ra tư vấn viên, hướng dẫn viên hay tổ chức sự kiện,… đều là những môi trường năng động rất thích hợp với đặc trưng tính cách hướng ngoại là thích di chuyển, thích giao tiếp và làm quen với mọi người.

– Vậy người hướng nội thì sao? Đừng lo lắng, có rất nhiều lựa chọn dành cho bạn. Đặc điểm dễ thấy ở người hướng nội là việc họ thích ở một mình, do vậy hiệu suất công việc cũng sẽ tăng khi bản thân họ được chủ động làm công việc của mình. Một số nghề như biên tập, những nghề về viết lách, thiết kế hay lập trình, kế toán, hay thậm chí là những ngành về nghệ thuật, khoa học…đều đòi hỏi rất cao về khả năng làm việc độc lập, đề cao cái tôi, nét đặc sắc của cá nhân. Đây là những ngành nghề phù hợp với sở thích, tính cách của người hướng nội. Ngoài ra sự tỉ mỉ, biết lắng nghe và sâu sắc của người hướng nội rất quan trọng và có ý nghĩa trong những ngành nghề về tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe,… nữa đấy.

Gợi ý cải thiện/phát triển nhóm tính cách

– Hãy thúc đẩy bản thân bước ra khỏi vùng an toàn: Nhìn nhận mỗi một cuộc gặp gỡ, mỗi nhóm bạn mới đều là một sự thử thách và nhiệm vụ của bạn là vượt qua nó. Bạn sẽ không biết cuộc gặp gỡ này mang lại cho bạn những điều tuyệt vời gì. Vì vậy hãy cứ thoải mái tâm trí, nở nụ cười trên môi và đón chào những mối quan hệ mới nào.

– Hãy thư giãn và thoải mái: Một nguồn năng lượng vui vẻ từ bên ngoài như một bộ phim hay một câu chuyện cười đều có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Một tâm trạng vui vẻ và thoải mái sẽ giúp bạn tự tin hơn, dễ dàng bắt chuyện hay gặp gỡ những người bạn mới đấy.

– Đặt mục tiêu từng bước nhỏ: Bạn không cần ngay lập tức đi gặp gỡ nhóm người hay tham gia buổi tiệc, hãy đặt những mục tiêu nhỏ hơn như kết bạn qua mạng xem sao. Nỗ lực này cần bạn thực hiện mỗi ngày, vì vậy đừng vội vàng và lo lắng quá bạn nhé.

– Sẵn sàng đón chờ những cảm xúc lo âu, bồn chồn: Đây là những cảm giác bạn khó tránh khi mới phá bỏ rào cản của bản thân. Thế nhưng chỉ cần vượt qua được bước đầu tiên, tất cả sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều đó. Hãy mặc kệ nó và tiếp tục bước đi, vì bạn còn có thể làm được nhiều hơn bạn nghĩ đó.

Hướng nội hay hướng ngoại đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Bởi vậy khi bạn hiểu được bản thân mình, bạn sẽ biết cách để có thể hướng nội, hướng ngoại phù hợp. Cố gắng lên bạn nhé, mỗi một bước hiểu mình là cách bạn đã tiến xa hơn rất nhiều rồi.

Nguồn tham khảo:
Website: Tâm lý học hành vi
“The Development of Markers for the Big-Five Factor Structure,” của Goldberg
Website: Bigfive.vn

Điểm: 4.18 (11 bình chọn)

Tác giả: Phi Anh

Phi Anh hiện đang là Biên tập viên tại Cổng Thông tin Hướng nghiệp - Tư vấn Tuyển sinh. Phi Anh sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về các hoạt động hướng nghiệp - tuyển sinh và các kỹ năng, xu hướng nghề nghiệp cho giới trẻ.

Ý kiến của bạn

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ

Scroll to top