Hướng Đi Mới Cho Nhân Sự Ngành F&B

27/07/2023

Bạn trẻ đam mê lĩnh vực F&B nếu có thêm góc nhìn kinh doanh, kỹ thuật số và truyền thông sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển.

Bạn có nghĩ rằng công việc của mình sẽ khác đi sau 10 năm nữa?

Bạn nghĩ rằng công việc mình đang làm không liên quan gì đến sự thay đổi chóng mặt của thế giới xung quanh? Bạn cho rằng công nghệ 4.0 chỉ ảnh hưởng đến những ngành nghề liên quan đến kỹ thuật số như: Marketing, Công nghệ thông tin… còn lĩnh vực truyền thống như F&B thì không?… Nhưng sự thật: Công nghệ vừa mang đến thách thức đồng thời cũng mang đến cơ hội cho bất kỳ ngành nghề nào, trong đó có F&B.

Chia sẻ tại Talkshow Ngành cũ – Nghề mới (được tổ chức bởi Hướng Nghiệp Á Âu), ông Lâm Phương Vũ (Chef Consultant, nhãn hàng Maggi, tập đoàn Nestle) chia sẻ: “Thời đại 4.0, thức ăn đồ uống ngon cũng cần sự cộng hưởng của truyền thông.”

Theo ông Phương Vũ, bạn trẻ đam mê lĩnh vực F&B nếu có thêm góc nhìn về kinh doanh và truyền thông sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển, ví dụ như FBMC (ngành hàng tiêu dùng nhanh), F&B Consultant (Cố vấn chuyên môn F&B cho các nhãn hàng…), Food Stylist (tạo mẫu ẩm thực)…

Food Stylist - Hướng đi mới được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Food Stylist – Hướng đi mới được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Vài năm trở lại đây, với sự hỗ trợ đắc lực từ nền tảng mạng xã hội đã cho ra đời các nghề mới liên quan đến sáng tạo nội dung như Youtuber, Vlogger, Tiktoker… Trong đó, F&B là mảng được phần lớn các nhà sáng tạo nội dung số quan tâm khai thác.

Một món ăn, đồ uống không chỉ cần ngon mà còn phải đẹp, hoặc được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện thú vị đi kèm. Thiên An (24 tuổi – cựu học viên ngành Quản trị Nhà hàng Khách sạn – Trung cấp Kinh tế Du lịch TP.HCM) cho biết: “Ngoài công việc phục vụ tại một nhà hàng Fine Dining, mình còn kiêm nhiệm luôn vai trò của Storyteller – người kể chuyện về món ăn – vị trí nghề nghiệp khá mới mẻ tại Việt Nam. Công việc này đòi hỏi mình phải có kiến thức về các nguyên liệu sử dụng trong món ăn, cách chế biến và ý nghĩa đằng sau đó”.

Trước sự chuyển dịch của công nghệ, dễ thấy các lĩnh vực ngành nghề có những “điểm giao” cộng hưởng với nhau. “Người trẻ cần tinh ý nhận ra những xu hướng chuyển dịch ngành để đón đầu hướng phát triển mới” – Ông Phương Vũ đưa ra lời khuyên cho bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực F&B.

Đa nhiệm kỹ năng, mở rộng nhiều cơ hội

Trước nhiều “nghề mới” được gọi tên, lời khuyên của các chuyên gia trong mảng F&B là bạn trẻ vẫn nên bắt đầu từ nền tảng kiến thức chuyên môn và phát triển nhiều kỹ năng bổ trợ.

“Nắm vững kiến thức chuyên môn và tự trau dồi học hỏi thêm nhiều kỹ năng mới giúp bạn mở rộng nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực F&B” - Ông Hồ Quốc Thông (Giảng viên ngành Pha chế Hướng Nghiệp Á Âu) đưa lời khuyên.

“Nắm vững kiến thức chuyên môn và tự trau dồi học hỏi thêm nhiều kỹ năng mới giúp bạn mở rộng nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực F&B” – Ông Hồ Quốc Thông (Giảng viên ngành Pha chế Hướng Nghiệp Á Âu) đưa lời khuyên.

Dễ thấy vì sự “hào nhoáng” của truyền thông, nhiều bạn trẻ chạy theo xu hướng và những kỹ năng bề nổi. Bạn có thể tỏa sáng nhanh chóng cùng một vài sản phẩm “hợp thời”, nhưng vì không có kiến thức chuyên môn sâu, bạn sẽ khó đi đường dài hoặc gặp rắc rối với doanh nghiệp và cộng đồng khi có những tình huống không may xảy ra.

Reviewer (người đánh giá dịch vụ sản phẩm) đang được nhiều nhãn hàng sử dụng cho các chiến dịch quảng bá bởi họ có cách tiếp cận gần gũi, giúp tên tuổi của một nhà hàng dễ dàng lan tỏa đến công chúng. Chị Thanh Dân (Nàng Thơm Communication) cho biết, “Người làm nghề Reviewer cần có sự am hiểu về văn hóa, kiến thức về ẩm thực cũng như kỹ năng đánh giá sản phẩm. Trong quá trình training cho các bạn trẻ Reviewer mảng F&B, tôi mời đầu bếp nổi tiếng đến chia sẻ kiến thức nền cho các bạn để có cơ sở đánh giá món ăn, thức uống…”. Sự am hiểu về chuyên môn ẩm thực sẽ giúp các Reviewer có sự uy tín để phát triển lâu dài cùng nghề.

Để có thể đặt những viên gạch nghề nghiệp vững chãi ở thời đại biến đổi này người lao động cần đa nhiệm. Theo ông Hồ Quốc Thông (Cố vấn chiến lược F&B, Giảng viên ngành Pha chế Hướng Nghiệp Á Âu): “Đa nhiệm không có nghĩa là xuất sắc hết mọi mặt. Nhưng khi có một chuyên môn chính và những kỹ năng bổ trợ bạn sẽ “control” được sản phẩm đến tay khách hàng”. Với kinh nghiệm từ chính bản thân, ông Thông cho biết ngoài kỹ năng nghiệp vụ Bartender, ông cũng tự trau dồi thêm nhiều kỹ năng như Food Stylist, Nhiếp Ảnh, hoặc tham gia các khóa học khởi sự kinh doanh… Các kỹ năng này giúp ông có nhiều góc nhìn, sự uy tín khi đảm nhiệm các vị trí như Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D) hoặc Cố vấn chiến lược (F&B Consultant).

Kỹ năng Food Stylist, Nhiếp ảnh… giúp bạn mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong ngành F&B.

Kỹ năng Food Stylist, Nhiếp ảnh… giúp bạn mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong ngành F&B.

Digital Marketing, Thiết kế đồ họa… cũng là những kỹ năng mang nhiều tính ứng dụng trong mảng F&B. Thông qua những khóa học ngắn, chủ nhà hàng hoặc start-up các dịch vụ kinh doanh ẩm thực có thể tự chủ hơn trong việc sáng tạo nội dung, quảng bá cho doanh nghiệp một cách hiệu quả và tối ưu chi phí.

Sự linh hoạt, nhạy bén cập nhật kiến thức, kỹ năng mới sẽ giúp bạn tiếp cận với những ngành nghề mới tỏa sáng một cách thức thời. Bạn hoàn toàn có thể cặm cụi ở một không gian quen thuộc để tiếp tục hun đúc đam mê của mình, hoặc cũng có thể bước chân lên chiếc thuyền khám phá những chân trời mới ngành nghề trong tương lai.

Điểm: 4.53 (18 bình chọn)

Tác giả: Quản Trị Viên

Ý kiến của bạn

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ

Scroll to top