Bạn có công nhận một điều là tập trung vào việc học thì khó, nhưng mà sao nhãng khỏi việc học thì chỉ cần “một cái tíc tắc”?
Này thì ăn nhưng không được quá no sẽ dễ buồn ngủ, này thì tốn cả buổi ngồi nhìn ra cửa sổ thật lâu để trấn định tinh thần, rồi chúng ta tập thể dục cả buổi để thư giãn cơ thể, chúng ta nghe nhạc tập trung trí não,… Chúng ta tốn bao nhiêu là công sức để có thể lấy được sự tập trung. Vậy mà chỉ một tiếng gọi ới ơi từ dưới nhà của mẹ, một âm báo tin nhắn, tiếng xe chạy ngang dưới đường, thậm chí là tiếng rao “bánh chưng bánh giò” từ đâu vọng đến cũng ngay lập tức phá vỡ ngay cái sự tập trung mà ta đã dày công “thiết lập”.
Vậy, bạn có bí quyết riêng nào của mình để đối phó với vấn đề “kỳ cục” này chưa? Một vài bạn đã có vài mẹo nhỏ như: đóng kín cửa phòng để bản thân được tĩnh lặng hoàn toàn, có bạn lại đeo tai nghe để hoàn toàn cách ly với tiếng động bên ngoài,… Nhưng mình biết vẫn còn một số bạn nuông chiều bản thân với những “thói quen xấu” mà ngay cả bạn cũng không biết nó chính là tác nhân ảnh hưởng trực tiếp tới sự tập trung của mình đấy. Cùng tìm hiểu và loại bỏ nó ngay hôm nay nhé!
Nhiều bạn có thói quen nằm học bài cho thoải mái, nhất là học thuộc lòng hoặc đọc sách. Nằm vốn đã không phải là tư thế đúng khi học vì không thể đảm bảo tốt cho đôi mắt cũng như không thể nào tập trung được. Việc nằm đọc sách cũng sẽ dễ dàng đưa bạn vào giấc ngủ dẫn đến học không có hiệu quả.
Khi mệt, nhiều bạn có xu hướng “nằm 1 tí cho đỡ mỏi lưng”. Tuy nhiên, chắc chắn luôn khi nằm rồi, bạn sẽ không muốn ngồi dậy học nữa đâu. Thay vào đó, mỗi khi thấy mệt mỏi vì việc học hãy cố gắng đứng lên tập vài động tác thư giãn, ra ban công hít thở sâu hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng trong khoảng 5 phút rồi quay trở lại bàn học và tiếp tục nhé.
Check facebook, email, tin nhắn, gọi điện, chơi game… là việc làm của các bạn ở mọi lúc mọi nơi. Bạn có công nhận là từ lâu “nghịch điện thoại” đã trở thành căn bệnh nan y khó chữa của giới trẻ chúng ta không? Chỉ cần một tin nhắn thôi cũng có thể ngay lập tức cuốn bạn vào một cuộc hội thoại dài hơi tận mấy tiếng đồng hồ. Chỉ cần mò lên facebook một xíu thôi là biết đâu được bạn lại lướt facebook đến tận chiều tối đấy.
Điều này thực sự không nên chút nào. Điện thoại tác động và kích thích não rất mạnh, đặc biệt là bạn vừa học vừa nghe nhạc, chơi game hay một trò gì đó trên điện thoại. Nếu bạn quyết tâm tập trung học bài, tốt nhất hãy tắt chuông điện thoại và để điện thoại ra càng xa người càng tốt. Đừng lo việc có ai đó tìm kiếm bạn hay không, hãy yên tâm vì xa điện thoại 2 tiếng thôi là có thể bạn đã giải quyết được đống bài vở của cả ngày rồi đấy.
Đây dường như đã là thói quen của rất, rất nhiều học sinh. Khi bí bài hoặc đang suy nghĩ, học sinh thường cắn đầu bút hoặc cắn móng tay. Thứ 1, đây là việc làm không hợp vệ sinh. Thứ 2, việc này không những giúp bạn tập trung hay suy nghĩ ra được gì mà chỉ phân tán suy nghĩ của bạn nhiều hơn mà thôi.
Bên cạnh đó, việc liên tục cắn một vật gì đó sẽ khiến răng bị ê, buốt dẫn đến đau nhức hoặc ăn không ngon. Vì thế, thay vì cắn bút, cắn móng tay khi suy nghĩ, hãy nhẹ nhàng xoa bóp đầu, hít thở sâu để tập trung oxy lên não và “xử lý” vấn đề thật hiệu quả nhé.
Có thể bạn thấy mẹo này khá buồn cười, nhưng thực tế thì đây là lý do khiến chúng ta sao nhãng việc học nhiều nhất đấy.
Thử tưởng tượng bạn đang tập trung cao độ, sắp viết xong bài văn dài 1800 từ thì bỗng bút hết mực. Ô, có nổi điên không cơ chứ, bạn với tay tìm trong bóp nhưng… ôi không, đây là cây bút cuối cùng của mình rồi. Sao lại có thể như vậy chứ. Thế là phải ra nhà sách mua bút thôi. Bạn xỏ ngay cái áo khoác, phi thẳng xuống nhà tự nhủ là mua nhanh rồi về hoàn thành nốt bài văn đang dang dở. Rồi thì trên đường gặp phải đứa bạn và ôi thôi bao nhiêu thứ khác,… về đến nhà thì bạn cũng vừa hay quên mất mấy cái ý văn cuối cùng còn sót lại trong đầu.
Một ví dụ hơi “quá” chút, nhưng bạn cũng thấy được mà đúng không, việc chỉ thiếu chút công cụ, dụng cụ khi mà đang tập trung cao độ có thể gây tác hại nhiều đến thế nào. Vì vậy, trước khi thực sự tập trung ngồi vào bàn và giở tập sách ra, hãy chắc chắn rằng bạn đã trang bị đủ “súng ống, đạn dược” và sẵn sàng lao ra chiến trường ròi nhé.
Một tư thế học tập phù hợp giúp cơ thể cảm thấy thoải mái, dễ chịu, từ đó hạn chế việc tiêu hao năng lượng và giúp bạn tăng năng suất đặc biệt trong thời gian dài. Hãy ngồi trên bàn học với tư thế thẳng lưng, thẳng cổ, giữ khoảng cánh hợp lý với mặt bàn và màn hình máy tính, tránh ngồi học khi đang nằm, ngồi ở trên giường với chân duỗi thẳng hay ngồi dưới đất,…
Chiều cao bàn ghế cũng phải phù hợp với bản thân. Bạn sẽ khó có tư thế học tập thoải mái nếu chiều cao bàn, ghế không phù hợp. Hãy chọn bàn có chiều cao từ 70cm trở lên (tính từ mặt đất đến mặt bàn) và ghế ngồi có chiều cao từ 45cm trở lên (tính từ mặt đất đến mặt ngồi). Đây là những thông số chiều cao phù hợp với thể trạng người Việt Nam.
Vào mùa thi cử, nhiều bạn cắm đầu vào bàn học suốt 5-6 tiếng đồng hồ thậm chí uống cà phê để thức khuya học bài. Học nhiều, nhưng hiệu quả chưa chắc đã cao. Học nhiều nhưng không tập trung và cứ cố gắng trong lúc đang mệt mỏi thì cũng không bằng chỉ học 3 tiếng mà tập trung tối đa. Do đó, thay vì ngồi mãi ở bàn học, hãy chia ca để học. Mỗi ca ngắn nhưng phải tập trung hết mức và có thư giãn.
Việc học không phải chờ đến ngày thi mới chạy. Vậy nên học sinh nên chú trọng việc học từng ngày để không phải “vắt chân lên cổ” học liên tục cả ngày trong những ngày sắp thi cử. Ngoài ra, nên tìm hiểu những cách học hiệu quả cũng như tránh tối đa những biểu hiện trên để có thể học thoải mái nhất và có kết quả tốt nhất.
Nói thì nghe ghê vậy chứ đang học say mê mà bỗng dưng bụng kêu “ọt ọt” thì nó cũng hơi kỳ quá đúng không nè. Hãy luôn chuẩn bị một vài món ăn nhẹ như bịch snack hoặc chút trái cây, một ly nước thật to ngay trong tầm với nhé.
Hãy đảm bảo rằng bất cứ khi nào bạn thấy khát nước hoặc đói, cũng có thể tuỳ ý với tay ra là đã bổ sung được ngay cho cơ thể nè.
Đêm là khoảng thời gian khá yên tĩnh nên được nhiều bạn chọn học bài để có thể tập trung hơn. Tuy nhiên hẳn là bạn đã biết có vô số tác hại của việc thức đêm rồi đấy. Thức đêm cũng làm bạn giảm trí nhớ nữa, dù bạn có tập trung thì cũng không nhớ lâu được đâu.
Hãy cân bằng thời gian học bài. Theo các nghiên cứu được công bố, não bộ hoạt động tốt nhất vào buổi sáng, vì vậy đó là thời gian học tốt nhất. Tuyệt đối không thức đêm nhiều, nhất là trước kỳ thi.
Nguồn: Tổng hợp và sửa chữa từ nhiều nguồn
____________
Xem thêm:
Hiệu ứng Akrasia và chiến thuật để đánh bại sự trì hoãn
7 bước để làm chủ cảm xúc và tạo ra cảm xúc tích cực cho bản thân
ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Ý kiến của bạn